Tư vấn mùa thi: Chọn sai dễ “ra trường” sớm!
Trước băn khoăn của một học sinh giữa việc chọn nhiều ngành trong một trường hay chọn nhiều trường cùng một ngành, tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, đã có những chia sẻ. Theo ông quy chế tuyển sinh cho phép thí sinh (TS) đăng ký xét tuyển không giới hạn nguyện vọng và phương thức tuyển sinh. Nhưng thống kê từ các kỳ tư vấn mùa thi năm trước, số nguyện vọng trung bình của TS khoảng 5-7.
“Vấn đề ở đây không phải là nhiều ngành ở một trường hay nhiều trường cùng một ngành. Quan trọng là trước khi đăng ký, TS cần xác định được ngành nghề thực sự yêu thích, trên cơ sở đó mới tới bước chọn thứ tự ưu tiên các trường cùng đào tạo ngành này”, tiến sĩ Võ Thanh Hải tư vấn.
Chuyên gia này nhấn mạnh: “Khi tư vấn mùa thi, tôi cho rằng không nên theo phương án chọn nhiều ngành cùng một trường. Bởi việc bằng mọi giá để trúng tuyển vào trường bằng ngành mình không thích là chúng ta đang “đánh cược” tương lai của mình”. Theo tiến sĩ Hải, khi TS chọn bất kể ngành nào để vào bằng được trường nào đó thì khả năng “ra trường” sớm sau 1 năm là rất lớn do không đủ năng lực học ngành đó.
Trước băn khoăn của học sinh về quy định mới bằng tốt nghiệp đại học, thạc sĩ Phan Thị Thu Phương, Phó trưởng phòng phụ trách đào tạo Trường ĐH Mở TP.HCM, cho biết theo luật giáo dục mới, trên bằng tốt nghiệp không ghi phương thức đào tạo nhưng phụ lục văn bằng có nhiều thông tin gồm chương trình theo học, điểm học tập.
Tư vấn mùa thi: Bán hàng qua mạng có cần học ĐH, CĐ?
“Em muốn bán hàng online thì có cần học ĐH, CĐ không hay chỉ cần lên Facebook lập fanpage là có thể bán hàng kiếm tiền?”, câu hỏi này được gửi đến chương trình qua website Báo Thanh Niên. Theo tiến sĩ Võ Thanh Hải, ở trình độ đào tạo bậc ĐH, hiện có ngành liên quan như kinh doanh số chuyên về hoạt động kinh doanh trên mạng. “Nếu bán hàng quy mô lớn thì nên học ĐH. Đặc biệt là xu hướng dịch chuyển hoạt động kinh doanh truyền thống sang hoạt động kinh doanh số ngày càng nhiều trong tương lai”, tiến sĩ Hải nói.
Liên quan đến câu hỏi này, thầy Võ Ngọc Nhơn, Phó ban Tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết bậc ĐH hiện có đào tạo một số ngành liên quan như kinh doanh thương mại, thương mại điện tử. “Có nhiều người không học nhưng vẫn có thể buôn bán nhưng việc kinh doanh online thành công ở quy mô lớn thì cần có nhiều khả năng. Vì vậy, nếu có học và có đào tạo vẫn tốt hơn”, thầy Nhơn khuyên.
Thạc sĩ Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ quốc tế Lilama2, cho biết năm nay trường bắt đầu tuyển sinh một số ngành phục vụ cho nền công nghiệp 4.0, ví dụ rô bốt công nghiệp. Ngoài ra, trường có 7 nghề đào tạo 3 năm sinh viên có thể đến CHLB Đức làm việc.
Kỹ sư nữ được ưu tiên trong tuyển dụng
Một học sinh nữ đặt câu hỏi: “Em rất nữ tính nhưng lại thích học những ngành về kỹ thuật, nữ học khối ngành này thì có bị cản trở gì không?”. Giải đáp băn khoăn này, tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, nói: “Tôi khẳng định nữ cũng rất phù hợp và rất tốt nếu theo học khối ngành kỹ thuật. Nếu tốt nghiệp cùng điểm số thì cơ hội việc làm của nữ cao hơn cả nam”.
Theo tiến sĩ Nhân, thực tế cho thấy các doanh nghiệp nước ngoài, công ty đa quốc gia rất ưu tiên trong tuyển dụng kỹ sư nữ. Đặc điểm công việc kỹ thuật ngày nay đã khác xưa, sự tham gia ngày càng nhiều của rô bốt đã thay thế các công việc nặng nhọc tay chân. Kỹ sư thường đảm nhiệm việc giám sát, thiết kế, đưa ra các giải pháp kỹ thuật… trong các môi trường máy lạnh, hiện đại.
“Hơn nữa, một số đặc điểm công việc của ngành kỹ thuật đòi hỏi kỹ sư phải mềm dẻo, sức chịu đựng cao, có khả năng thuyết phục người khác và những việc này nữ thường chiếm ưu thế”, tiến sĩ Nhân phân tích thêm.
Cùng băn khoăn về ngành nghề, học sinh Ngô Thu Thủy (H.Buôn Đôn) hỏi: “Tính cách sôi nổi, khả năng hoạt náo tốt, hướng ngoại thì em có phù hợp với ngành Việt Nam học không?”. Tiến sĩ Võ Thanh Hải, giải đáp tính cách này thì có thể phù hợp với nhiều ngành chứ không chỉ Việt Nam học như du lịch, ngoại giao, marketing…
“Những ngành nào mà sự tiếp xúc giữa người với người nhiều, tần suất lớn thì người có điểm mạnh trên sẽ được thể hiện tốt. Ngôn ngữ giao tiếp tốt, sôi nổi và có khả năng hoạt náo sẽ dễ tạo thiện cảm với người đối diện và cơ hội việc làm cao”, tiến sĩ Hải nhìn nhận.